(BGĐT) - Là huyện nghèo, nguồn thu hạn chế song nhờ đồng bộ các giải pháp, đến thời điểm này, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách tỉnh giao. Kết quả này đã tạo điều kiện để địa phương có thêm nguồn lực phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân.
Các khoản thu đều đạt
Năm 2023, huyện Sơn Động được giao dự toán thu ngân sách nhà nước gần 113 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ít, quy mô nhỏ, các hộ kinh doanh phân tán, sức mua trên thị trường không cao. Để hoàn thành, ngay từ đầu năm, UBND huyện chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, tăng cường công tác phối hợp với ngành Thuế đẩy mạnh tuyên truyền về nghĩa vụ thuế; nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chấp hành pháp luật thuế.
![]() |
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Lục Ngạn - Sơn Động kiểm tra, đánh giá quy mô kinh doanh của hộ dân để điều chỉnh mức thuế khoán. |
Với trách nhiệm của mình, từng đội nghiệp vụ, cán bộ phụ trách địa bàn của Chi cục Thuế khu vực Lục Ngạn - Sơn Động chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, lên danh sách từng tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế. Khai thác tiềm năng kinh tế rừng, coi đây là nguồn thu chính, ngành Thuế lên danh sách, tăng cường quản lý nguồn thu từ 109 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 19 tổ chức, còn lại là hộ gia đình. Nâng chất lượng kê khai thuế, xử lý nghiêm đối với những trường hợp không nộp, nộp chậm hồ sơ kê khai thuế; rà soát các hộ mới kinh doanh hoặc thay đổi quy mô để yêu cầu đăng ký nộp thuế, điều chỉnh mức thuế khoán...
Chị Lã Thị Yến, chủ cơ sở điện máy Huy Hoàng, tổ dân phố số 4, thị trấn An Châu nói: “Nắm bắt nhu cầu thị trường, từ cuối năm ngoái, gia đình tôi mở rộng quy mô cửa hàng, nhập thêm nhiều mặt hàng mới về phục vụ bà con. Đầu năm nay, khi được thông báo tăng mức thuế khoán từ 1,5 lên 2 triệu đồng/tháng, tôi cũng băn khoăn. Tuy nhiên, được cán bộ đến tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã hiểu và chấp hành nghiêm”.
Đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt hơn 126 tỷ đồng, bằng 75,3% so với dự toán huyện giao, 111,7% so với dự toán tỉnh giao và hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba khoản thu, sắc thuế ước hoàn thành dự toán năm gồm: Thuế ngoài quốc doanh đạt 123%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (100%) và tiền thuê đất (100%). |
Nhờ triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, thời điểm này, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt hơn 126 tỷ đồng, bằng 75,3% so với dự toán huyện giao, 111,7% so với dự toán tỉnh giao và hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái (nếu không tính thu tiền sử dụng đất, đạt 99% so với dự toán huyện, tỉnh giao). Các khoản thu đều đạt và vượt tiến độ theo yêu cầu dự toán năm, trong đó có 3 khoản thu, sắc thuế ước hoàn thành dự toán năm gồm: Thuế ngoài quốc doanh đạt 123%, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (100%) và tiền thuê đất (100%). Có nguồn thu, các địa phương có thêm nguồn lực để nâng cấp hạ tầng, củng cố cơ sở vật chất.
Ghi nhận tại xã Dương Hưu cho thấy, 5 tháng đầu năm, địa phương thu được gần 1 tỷ đồng từ sử dụng đất, phí, lệ phí, cho thuê ao, hồ... Từ nguồn kinh phí này, UBND xã hỗ trợ các thôn nâng cấp đường làng, ngõ xóm và cải tạo hồ, đập chứa nước. Ông Lã Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Dương Hưu cho biết: “Dù không nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Huyện uỷ song bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay Dương Hưu đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Để về đích trong năm 2024, tới đây địa phương tập trung thu từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chế biến gỗ; tiếp tục đưa ra đấu giá quyền sử dụng một số lô đất để có thêm nguồn lực cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa”.
Lường trước khó khăn, chủ động nguồn thu
Mặc dù đạt kết quả tích cực, cơ bản các chỉ tiêu thu ngân sách đều bảo đảm yêu cầu tiến độ, trong đó có nhiều khoản thu, sắc thuế đạt tỷ lệ cao song theo đánh giá so với các địa phương khác, nguồn thu của huyện còn khiêm tốn; thu thuế ngoài quốc doanh cao (chiếm 58%) song chủ yếu từ các cơ sở chế biến gỗ. Cùng đó trên địa bàn chưa có nguồn thu phát sinh lớn, một số nguồn thu thiếu bền vững…
![]() |
Mỗi năm, Công ty cổ phần May Sơn Động đóng góp gần 3 tỷ đồng tiền thuế. Ảnh: Khu vực sản xuất của Công ty. |
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những tháng đầu năm, toàn huyện khai thác hơn 1,5 nghìn ha rừng trồng, sản lượng hơn 165 nghìn tấn nên góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên hiện số cơ sở chế biến gỗ ngừng hoạt động lớn. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến việc tăng thu ngân sách trong thời gian tới”.
Nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức, UBND huyện vừa có công văn yêu cầu cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hoàn thành nghĩa vụ thuế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Để khai thác lợi thế về rừng, huyện đang mời gọi chủ rừng lớn vào liên kết đầu tư, mở rộng diện tích rừng FSC, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu; đồng thời bố trí quỹ đất (dưới 2,5 ha) để đón 2 DN vào địa bàn đầu tư cơ sở chế biến gỗ quy mô lớn.
Với các nguồn thu khác, huyện yêu cầu cơ quan chuyên môn rà soát, xác định những nguồn còn dư địa như: Hoạt động khai thác đất san lấp mặt bằng, xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước... để chống thất thu ngân sách. Quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục pháp lý để đưa 4 dự án khu dân cư, 11 mỏ khoáng sản ra đấu giá, tăng nguồn thu cho địa phương.
Trước mắt, huyện sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, tập trung vào các DN có số thuế giá trị gia tăng âm liên tục hoặc có doanh số lớn nhưng số thuế khai thấp, không tương xứng; kê khai lỗ hoặc nợ đọng thuế kéo dài. Đôn đốc, cưỡng chế đối với các trường hợp dây dưa, chây ỳ thông qua việc khấu trừ tiền từ tài khoản người nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc và thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết